Các phương pháp kiểm tra khuyết tật hàn

Mục đích của phương pháp kiểm tra chất lượng liên kết hàn là xác định khả năng đáp ứng các điều kiện làm việc của liên kết hàn, cụ thể xác định các tính chất cơ học, hoá học, kim loại học và xác định các khuyết tật. Ngoài ra việc kiểm tra chất lượng mối hàn còn được dùng để phân loại các quy trình hàn và trình độ tay nghề thợ hàn.
Các phương pháp kiểm tra được chia thành hai phương pháp chính :
- Kiểm tra phá hủy 
- Kiểm tra không phá hủy
 
1.0 KIỂM TRA BẰNG PHƯƠNG PHÁP PHÁ HUỶ
1.1 KIỂM TRA CƠ TÍNH CỦA MỐI HÀN
Mục đích của việc kiểm tra này là xác định đặc tính cơ học của liên kết hàn để so sánh với cơ tính của kim loại cơ bản. Qua đó, cũng có cơ sở để đánh giá trình độ tay nghề của người thợ hàn một cách chính xác hơn. Căn cứ vào yêu cầu kỹ thuật, khả năng thiết bị kiểm tra, quy trình hàn được áp dụng, mà tiến hành thử kéo, thử uốn, thử độ cứng và độ dai va đập của liên kết dưới tác dụng của tải trọng tĩnh hoặc tải trọng động.
Các phương pháp kiểm tra:
* Kiểm tra thử kéo
* Kiểm tra thử uốn
* Kiểm tra độ dai va đập
Để thử kéo, thử uốn hoặc các phương pháp thử độ dai va đập… các mẫu được cắt ra từ phần kim loại đắp của liên kết hàn và được gia công cơ khí để đạt được hình dạng và kích thước theo các tiêu chuẩn được áp dụng…
 
1.2 KIỂM TRA CẤU TRÚC CỦA LIÊN KẾT HÀN
Gồm có hai dạng là: Kiểm tra thô và kiểm tra tế vi
KIỂM TRA THÔ - được tiến hành trực tiếp với các mẫu thử kim loại hoặc các mặt gãy của chúng. Các mẫu thử được cắt ra từ liên kết hàn, mài bóng và tẩy sạch bằng dung dịch axit nitric 25% rồi dùng kính lúp hoặc mắt thường để phát hiện khuyết tật của liên kết hàn, có thể khoan lấy mẫu ngay trên kim loại đắp để nghiên cứu.
Thường dùng các mũi khoan có đường kính rộng hơn chiều rộng của mối hàn 3mm để lấy cả phần kim loại cơ bản và kim loại mối hàn.
KIỂM TRA CẤU TRÚC TẾ VI - được tiến hành dưới loại kính lúp có độ phóng đại lớn (100-500 lần), nhờ vậy có thể xác định được dễ dàng và chính xác chất lượng kim loại của liên kết hàn.
 
2. KIỂM TRA BẰNG PHƯƠNG PHÁP KHÔNG PHÁ HUỶ
Phương pháp kiểm tra này được thực hiện trực tiếp với liên kết hàn và trên sản phẩm hàn cụ thể mà không gây nên biến đổi đặc tính của sản phẩm.
 
2.1 KIỂM TRA BẰNG MẮT THƯỜNG
Đây là phương pháp được sử dụng thông dụng để kiểm tra toàn bộ quá trình hàn, cụ thể là kiểm tra trước khi hàn, trong khi và sau khi hàn.
Phương pháp này dễ thực hiện, có thể giúp tránh được các khuyết tật hoặc phát hiện sớm các khuyết tật trong khi hàn.
 
Kiểm tra trước khi hàn 
* Kiểm tra bản vẽ, các tiêu chuẩn đặt ra cho liên kết hàn
* Kiểm tra chứng chỉ vật liệu được sử dụng có đủ và phù hợp với yêu cầu không
* Kiểm tra gia công gá lắp, khe hở và mép vát có đúng với thiết kế không
* Kiểm tra độ sạch của liên kết hàn
 
Kiểm tra trong khi hàn
* Kiểm tra các thông số của quy trình hàn.
* Loại vật liệu hàn tiêu hao.
* Nhiệt độ nung nóng trước khi hàn (nếu được yêu cầu)
* Vị trí hàn và chất lượng bề mặt vật hàn
* Trình tự hàn
* Xử lý các mối hàn đính và vệ sinh giữa các lớp hàn.
* Kích thước liên kết hàn
* Nhiệt độ và thời gian sử lý nhiệt sau khi hàn.
 
Kiểm tra sau khi hàn 
* Làm sạch bề mặt liên kết hàn (bề mặt mối hàn và vùng kim loại cơ bản)
* Quan sát kỹ bằng mắt thường hoặc bằng kính lúp
* Kiểm tra kích thước của mối hàn so với bản vẽ thiết kế.
 
2.2 KIỂM TRA BẰNG DUNG DỊCH CHỈ THỊ MÀU
Đây là phương pháp sử dụng các dung dịch để thẩm thấu vào các vết nứt, rỗ khí nhỏ của liên kết hàn mà không thể quan sát được bằng mắt thường, sau đó dùng các chất hiển thị màu phát hiện ra vị trí mà dungdịch thẩm thấu còn nằm lại ở các vết nứt cũng như rỗ khí.
Cần lưu ý là : Phương pháp này chỉ phát hiện được các khuyết tật mở ra trên bề mặt vật liệu cần kiểm tra. Thông thường sử dụng 3 loại dung dịch và được tiến hành theo các bước sau:
* Dùng dung dịch làm sạch để tẩy sạch bề mặt mối hàn
* Phun dung dịch thẩm thấu lên bề mặt mối hàn
* Sau khi đủ thời gian để dung dịch thẩm thấu vào các vết nứt, rỗ khí, thì lau sạch bề mặt mối hàn.
* Dùng dung dịch hiển thị màu phun lên vùng mối hàn vừa thực hiện các bước trên để phát hiện khuyết tật.
 
Phương pháp này có tính ưu việt là đơn giản, dễ thực hiện, phát hiện được cả các khuyết tật nhỏ không quan sát được bằng mắt thường một cách nhanh chóng, tuy nhiên nó không phát hiện được những khuyết tật nằm bên trong của liên kết hàn và chiều sâu của khuyết tật.

Bài liên quan

Các phương pháp kiểm tra khuyết tật hàn (tiếp)

Các phương pháp kiểm tra khuyết tật hàn (tiếp)

2.3 KIỂM TRA BẰNG TỪ TÍNH Dùng bột sắt từ rắc trong trường của nam châm tự nhiên hay điện từ thì nó sẽ phân bố theo ...

Hotline tư vấn kỹ thuật: 0989 62 3858

Email: info@ararat.vn - Phone: 024 6650 7292